DANH HIỆU THI ĐUA, MỘT THỨ TRANG SỨC DỔM (by Ngô Minh)


Bài viết của tác giả Ngô Minh, đã được đăng trên trang Blog Ngô Minh ngày 17.04.2012

Bài viết thể hiện đúng thực trạng của xã hội Việt Nam, nhất là “căn bệnh thành tích của ngành giáo dục”. Chừng nào căn “bệnh thành tích, danh hiệu thi đua” còn, thì chừng đó ngành giáo dục chẳng thế ngóc đầu lên để sánh vai với các nước trong khu vực ASEAN chứ chưa dám nói là với năm châu. Sau đây là bài viết của tác giả Ngô Minh.

Ngô Minh

     Gần đây, đọc bài viết “Có nên bỏ…thi đua” trên Tuần Việt Nam.nét, tôi rất đồng tình. Vì từ lâu rồi tôi ghét cay ghét đắng chuyện thi đua, vì thi đua là “chạy, mua thành tích”, nó như một thứ trang sức dởm. Tác giả Đinh Việt Bình viết rất đúng rằng: Tại nhiều quốc gia trên thế giới, không hề thấy phong trào thi đua, không hề thấy khẩu hiệu “Ra sức…”, “Quyết tâm phấn đấu…” nhưng cái gì của họ cũng tốt, trong đó có sản phẩm đại học. Riêng về giáo dục đại học thì ngay cả các nước trong khối ASEAN cũng đã bỏ xa Việt Nam. Từ lâu, người Việt mình đâu đâu cũng nghe: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”. Và luôn được quán triệt: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”… Nhưng mà…. Chỉ trong ngành giáo dục, nơi tôi gắn cả cuộc đời, được chứng kiến nhiều phong trào thi đua, như phong trào thi đua Hai tốt – Dạy tốt, Học tốt… Rồi bỗng dưng một ngày đẹp trời cách đây không xa lại được quán triệt: “Nói không với bệnh thành tích”. Bệnh, đã là bệnh thì…nguy rồi. Nói không là điều rất nên. Nhưng mà đâu lại vào đấy. Tác giả Đinh Việt Bình chỉ ra một số dẫn chứng trong ngành giáo dục để chứng minh rằng: Thành tích, danh hiệu thi đua là không thực chất!

     Vậy thi đua mang lại gì cho sự phát triển của nước Việt Nam mới ? Xin thưa: Không mang lại cái gì cả, chỉ mang lại bệnh thành tích ngày càng trầm trọng và sự dối trá đã lên đến độ hơn cả chú cuội. Từ đó ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục con trẻ, vì chúng sẽ bị nhiễm thói dốitras từ bé. Vì thế dân gian mới có rất nhiều câu ca dao về chuyện thi đua rất sâu sắc: “Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu. Hàng đầu rồi tiến đi đâu. Đi đâu không biết hàng đầu tiến lên”, hay: “Thôi, tôi không dám anh hùng, anh hùng là những thằng khùng thằng điên”,v.v..

     Từng làm tuyên huấn, báo chí trong quân đội nhiều năm ở chiến trường B2, tôi hiểu rằng, muốn có “anh hùng”, “chiến sĩ thi đua”, “dũng sĩ diệt Mỹ”.v.v.. thì phải “xây dựng”. Thành tích một thì “xít” lên 10 để cho “kêu”, để cho trên duyệt và để…tung lên dư luận, để kích động, động viên chiến sĩ xông lên ! Đơn vị này có “anh hùng”, “dũng sĩ”, thì đơn vị kia cũng phải có. “Con gà tức nhau tiếng gáy” mà. Thể là phải đi tìm cho ra “cốt cán” để xây dựng “điển hình tiên tiến”. Bên Sông Sài Gòn năm 1973, có anh bộ đội tên là Đặng Văn Minh, quê Hải Dương, mang súng B40. Trong trận đánh cứ điểm, anh ta bắn cháy một chiếc xe tăng địch. Chính trị viên tiểu đoàn quyết định báo cáo thành tích của Minh lên Trung Đoàn để xin thưởng “Huân chương chiến công”, “Dũng sĩ diệt xe tăng”. Tôi được phân công về viết về gương chiến sĩ chiến đấu dũng cảm cho “Bản tin Sư đoàn”. Tôi đạp xe một mình vượt trăm cây số đường rừng về tận đại đội của Minh. Gặp Minh, tôi hỏi theo sách vở : “khi gặp địch, anh đã xác định tư tưởng quyết chiến như thế nào ?” . Minh cầm tay tôi khóc và van xin: “Anh ơi, anh tha cho em. Anh đừng viết về em. Em lạy anh. Anh mà viết, in lên báo, mẹ em ở ngoài Bắc mà đọc được thì khóc hết nước mắt. Mẹ em hay đọc báo Quân Đội nhân dân lắm. Em chẳng quyết bắn gì đâu. Em định trốn vào bụi. Nhưng chiếc xe tăng nó cứ càn về phía em. Em sợ nó nghiến nát mình. Em hoảng hồn, đành nhắm mắt bóp cò. Thế là nó cháy. Anh đừng viết anh nhé. Em sợ lắm, mẹ em mà đọc được…” Nghe Minh vừa khóc vừa kể, tôi cũng khóc theo. Tất nhiên là tôi không viết về gương chiến đấu đó. Nhưng Minh vẫn được phong tặng nhiều thứ danh hiệu lắm…. Tôi nghe nhiều người kể, mẹ Suốt anh hùng chèo đò trên sông Nhật Lệ xưa cũng thế thôi. Bộ đội và người dân qua đò. Chuyện thường nhật. Bữa đó máy bay Mỹ lao tới bắn con đò. Không chèo cũng chết, mà chèo cũng chết. Thôi thì liều. Mẹ cắn răng chèo đưa khách sang sông. Mặt tái mét. Thế là Mẹ được tôn vinh anh hùng đã chèo đò trong bom đạn đưa bộ đội sang sông…

     Không chỉ thêm thành tích cho kêu mà còn bịa ra, dựng khống lên các anh hùng, như chuyện bịa ra anh hùng đuốc sống Lê Văn Tám tẩm xăng đốt mình cháy rực rồi lao vào kho xăng giặc Pháp, như nhà sử học Trần Huy Liệu đã tự thú. Hay là anh hùng Nguyễn Văn Bé cũng không có thật.v.v..

     Chuyện “thi đua” thời đổi mới bây giờ mới cười ra nước mắt. Tất cả các doanh nghiệp nhà nước được tuyên dương anh hùng, giám đốc của nó dều được anh hùng theo. Nhiều giám đốc “anh hùng”, mà nhờ tham nhũng nên giàu sụ. Thế là được cả tiếng, được cả miếng. Không có người đi vượt biên gửi về, ông giám đốc cũng chi hàng mấy chục tỷ để xây dựng một khu lăng tẩm của ông bà tiên tổ, làm thiên hạ lác mắt. Tôi có anh bạn vong niên làm giám đốc một khách sạn nhà nước. Những năm sắp hưu trí, tôi thấy anh mời tôi đến dự đón huân chương liên tục. Năm trước Huân chương lao động hạng 3, năm sau lại đón hạng hai. Hai năm sau cơ quan anh lại rầm rộ tổ chức cuộc đón Huân chương Lao động hạng Nhất. Cả cơ quan tỉnh ăn uống no say, vỗ tay rôm rốp. Cờ xí rợp sân khách sạn. Tôi rỉ rả hỏi anh: “Mần răng mà được Huân chương liên tục rứa?”. Anh cười: “Có chi mô. Chạy là được tất. Chạy gan trời cũng được, chứ Huân chương là cái đinh gì !” Rồi anh kể chuyện chạy Huân chương, nghe vui lắm. Đầu tiên là Công ty tự làm một bản thành tích. Xong, mời mấy anh chuyên viên bên Ban thi đua tỉnh về góp ý. Mấy anh góp ý nên thêm cái này, thêm cái kia…cho nổi bật. Xong,chiêu đãi, rồi mỗi người được cái phòng bì mang về. Sau khi thành tích được Ban thi đua tỉnh trình lãnh đạo tỉnh ký, lại liên hoanơng. Chỉ cần mời bữa nhậu ở nhà hàng kín đáo, phòng bì dày hơn tí, danh sách thi đua sẽ được trình lên chủ tịch nước duyệt. Chủ tịch nước thì chỉ biết ký, làm sao mà qua mặt Ban thi đưa Trung ương được ? Ba lần chạy là được Huân chương Lao động ba hạng ba, nhì, nhất liền. Tất nhiên đơn vị được huân chương thì giám đốc cũng được huân chương. Dễ ợt. Thi đua biến tướng đến mức, một nhà văn ở Huế tâm sự với tôi: Trong danh sách đề nghị lên chủ tịch nước tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật năm 2012 rồi, không ít người là lãnh đạo các vụ ở Bộ này, bộ khác, chẳng có mấy thành tích chuyên môn. Thì họ dại gì mà không “chạy”. Có cái “Giải thưởng Nhà nước” cũng như bỏ tiền ra mua cái bằng tiến sĩ ấy mà, tắt cả đều là trang sức cả thôi, mà là trang sức dởm mới buồn.

     Có ông bí thư tỉnh ủy tỉnh nọ, được làm “vua một tỉnh” sướng rồi, lại là Trung ương ủy viên, nghĩa là chức tước sang trọng ngất trời rồi, lại giàu có, nhà cửa tòa ngang dãy dọc, mỗi ngày có một tiểu đội người chuyên chăm sóc sửa sang vườn tược, cây cảnh, sửa chữa nhà trên nhà dưới . Bí thư hàng đêm xách súng cùng đám tùy tùng lên xe Zép đi săn, Có lần ông bí thư trong đêm bắn phải trâu của đồng bào dân tộc, tỉnh phải lấy tiền ngân sách (tức tiền thuế của dân) ra mua trâu bồi thường cho dân bản, nếu không thị sẽ bị dân xử theo luật bản, tức luật rừng “thân đổi trâu”. Đang sống đế vương tỉnh lẻ, bí thư bỗng dưng thích có được cái danh hiệu anh hùng. Khó gì . Bí thư phán Ban thi đua tỉnh làm sồ sơ gửi lên Ban thi đưa Trung ương đề nghị xét tặng danh hiệu “Anh hùng lực lương vũ trang thời chống Mỹ” cho mình. Ông bí thư xưa là du kích thôn xã. Mấy lần bắn tỉa địch, mấy lẫn dẫn bộ đội chủ lực về địa phương.v.v..thành tích của ông “Bí” so với một chiến sĩ chiến đấu vào sinh ra tử chỉ như cải vảy trên lưng con cá sấu. Thế mà Bản thành tích gửi lên là được anh hùng liền. Rồi lễ đón tưng bừng…Truyền hình trực tiếp um sùm.

     Tôi đã từng nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ những chiến sĩ tàu không số Hải Quân Việt Nam ba tháng liền để viết tập ký sự “Cổ tích tàu không số”. Thành tích chiến đấu vượt đại dương hiểm nguy vô vàn của các chiến sĩ tàu không số đều gấp trăm ngàn lần ông Bí thư tỉnh nọ. Nhưng đơn vị tàu không số cả ngàn chiến sĩ, vượt đại dương tới 14 năm ròng chở vũ khí vào tận Cà Mau, thế mà 50 năm qua, chỉ 14 thuyền trưởng và thủy thủ được tuyên dương anh hùng. Vì sao vậy ? Vì họ đã hy sinh, không ai “chay danh hiệu cho”. Vì sao vậy ? Vì họ bây giờ là người lao động nghèo khổ ở thôn quê, không có tiền để “chạy danh hiệu” như ông bí thư tỉnh nọ. Ngẫm chuyện mà buồn thúi ruột.

     Cuộc đời viết văn, làm báo của tôi có hai kỷ niệm về danh hiệu thi đua buồn nhức nhối. Một lần, năm 2000, tôi đã về tận xã Quảng Công, huyện Quảng Điền bên kia phá Tam giang để lấy tư liệu viết bài “Ông tổ nghề nuôi tôm trên Phá Tam Giang” Phan Thế Phương . Bài báo được in trên báo An ninh thế giới. Sau đó, tôi nghe các anh bên Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế (nơi anh Phương làm việc trước đây) kể rằng, sau khi bài báo được đăng, Chủ tịch nước đã đọc được bài báo, thấy anh Phương ạnh hùng quá, nên điện sang hỏi Ban thi đưa Trung ương: “Anh Phan Thế Phương này thành tích lớn thế, được phong anh hùng chưa ?”. Thế là Ban thi đua Trung ương điện vào hỏi Ban Thi đưa tỉnh: “Sao ông Phan Thế Phương lăn lộn cùng dân nuôi tôm giỏi thế mà không có bản thành tích…”. Ban Thi đua tỉnh mới trả lời: “Bản thành tích anh Phương chúng tôi đã gửi cách đây mấy năm rồi…”, Thôi thì làm lại hồ sơ. Nhờ thế, anh Phan Thế Phương mới được phong danh hiệu anh hùng năm 2002. Nếu không chắc anh không bao giờ được phong anh hùng, vì anh mất rồi, không có người “chạy giúp”.

     Chuyện thứ hai là trường hợp anh Lại Đăng Thiện ở xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Anh Thiện đi bộ đội năm 1965, khi mới 18 tuổi. Anh ở tiểu đoàn công binh Quân khu 4, đã 2 lần được truy điệu sống để lái ca nô kích nổ bom từ trường, thông đường qua sông suốt địa bàn quân khu 4. Bản thân anh đã kích nổ hàng ngàn quả thủy lôi, bị thương tật. Anh đã được làm hồ sơ để tuyên dương anh hùng, đã có thông báo “sắp công bố”. Rồi bỗng dưng vì một lý do vớ vẩn, ai đó vu lên rằng ở làng anh là con địa chủ, thế là người ta dừng lại. Chẳng cần về làng kiểm tra. Mà gia đình anh thì nghèo rớt mùng tơi. Thế là khi hết chiến tranh, anh Thiện được ra quân, Không có lương bổng gì, phụ cấp thương binh cũng không. Anh xin đi học y tá. Học xong anh về xã đỡ đẻ cho 400 cháu bé ra đời. Khi buồn nghĩ đến chuyện cũ anh lại lại thơ nhớ đồng đội. Đến nay anh đã xuất bản được một tập thơ. Một tập nữa đang xin giấy phép. Tôi viết bài báo về anh có tựa đề là “Người anh hùng chưa được tuyên dương” in báo Văn Nghệ. Năm 2009, tôi cắt bài báo đó, cùng bức thư tâm huyết, gửi ra Ban thi đua Trung ương, yêu cầu Ban “thử một lần cử người đi về cơ sở, trực tiếp thẩm tra, lập hồ sơ phong anh hùng cho anh Lại Văn Thiện”. Nhưng khoảng tháng sau, tôi nhận được thông báo của Ban thi đua Trung ương “đã chuyển thư của anh về đơn vị cũ của anh Thiện ở Quân Khu Bốn”. Thế là từ đó đến nay người anh hùng đích thực đó chẳng ai ngó ngàng gì. Buồn thế đó, thi đua ơi là thi đua !

     Cho nên, theo tôi đừng nên biến danh hiệu thi đưa thành thứ trang sức dởm. Nên bỏ việc phát động thi đua. Bỏ hết bộ máy thi đua từ trung ương đến địa phương. Vì đó đã trở thành chỗ “xin-cho” danh hiệu. Chỉ giữ lại vài người làm chuyên viên ở Văn phòng Chủ tịch nước, để khi nào có những công dân, sinh viên có thành tích đột xuất, nổi bật, được cả nước biết đến thì viết bằng khen tặng trực tiếp, như khen cho giáo sư toán Ngô Bảo Châu, như nghệ sĩ dương cầm Đăng Thái Sơn vậy. Các nước Mỹ, Anh…và nhiều nước trên thế giới họ đều làm thế cả.

Ngô Minh